Với cảnh sắc vừa tinh khôi, lãng mạn kiểu Đà Lạt, vừa hùng vĩ kiểu cao nguyên, Gia Lai đảm bảo sẽ “gây thương nhớ” với những ai đã đến đây khám phá.
Nhắc đến Gia Lai, chúng ta thường nghĩ ngay đến vùng đất không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đến kho tàng sử thi, đến kiến trúc nhà Rông, đến đồi cà phê trải dài hàng cây số và các ca khúc rực lửa đậm chất vùng cao nguyên. Tất cả những hình ảnh, ngôn ngữ và âm thanh đó đã tạo nên một Tây Nguyên bản năng, mạnh mẽ, đầy sức lôi cuốn và cám dỗ những ai đam mê xê dịch.
Mục lục
Chùa Minh Thành
Cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 2 km, đây được xem là ngôi chùa chịu ảnh hưởng kiến trúc Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản đậm nét nhất tại khu vực Tây Nguyên. Không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi Pleiku, chùa Minh Thành còn được xem là điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất này. Nhiều du khách ví von rằng, đến với chùa Minh Thành giống như chúng ta đang “đi Nhật – Trung ngay trên xứ Tây (Nguyên)”.



Biển Hồ (Hồ T’Nưng)
“Đôi mắt của phố núi”, nước xanh tự nhiên như ngọc, là một trong những cách người ta nhắc đến hồ nước đẹp nhất khu vực Tây Nguyên – Biển Hồ. Có tên gọi Biển Hồ là do đây là hồ nước ngọt có diện tích rất rộng (như biển). Tại đây cũng vừa diễn ra lễ khánh thành công trình phục dựng Bảo tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tạo nên điểm nhấn tâm linh hấp dẫn cho Biển Hồ.



Biển Hồ Chè
Đồn điền chè do người Pháp khai khẩn, kết hợp với hồ nước thủy lợi, nên nơi đây được gọi là Biển Hồ Chè. Hiểu đơn giản hơn thì vì khu trồng chè này nằm bên kia Biển Hồ, nên có tên gọi như vậy. Bình thường đi đúng mùa hoa muồng vàng nở, tầm tháng 10 thì chỗ này sẽ cực kỳ rực rỡ.

Núi lửa Chư Đăng Ya
Nằm cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30 km, đây là dấu tích của ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động rất lâu. Đường vào khá dễ, chủ yếu là bê tông, có một đoạn đường thôn nhưng đi mùa khô thì không vấn đề gì cả. Khung cảnh trong các thôn, buôn cực kỳ đẹp và nên thơ. Leo lên đây không khó cũng không dễ, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần là bạn có thể bị tơi tả do độ dốc lớn.


Chùa Bửu Minh
Chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa ra đời sớm ở Gia Lai vào đầu thế kỷ XX sau nhiều lần đổi tên. Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc gỗ, với mô típ chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung cùng kiểu dáng chùa Nhật Bản và Đài Loan.


Ngôi chùa được xây dựng bên đồi chè Biển Hồ, nên khi đến đây bạn không chỉ cảm nhận được sự yên bình, thanh tịnh trong tâm hồn mà còn được tận hưởng không gian xanh mát, bao la của đồi chè. Chính vì thế nơi đây được nhiều tín đồ Phật tử tìm về hành hương, tham quan.
Nhà rông Kon K’lor
Nhà rông Kon K’lor là biểu tượng của tình đoàn kết và sức mạnh cộng đồng của người dân. Nhà cao 22m, rộng trên 6m và dài hơn 17m. Với thiết kế truyền thống cùng chất liệu bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá và những họa tiết, hoa văn công phu, tỉ mỉ, nơi đây chính là điểm đến thú vị cho du khách.


Đập Tân Sơn
Thuộc một ngã rẽ trên con đường vào núi lửa Chư Đăng Ya. Nếu đi trúng hôm mây trời cuồn cuộn, non xanh nước biếc, sẽ rất phù hợp để bạn có thể sống ảo kiểu “trong veo”.

Quanh năm soi bóng ngọn Tiên Sơn, một dải nước xanh ngọc trải dài, trầm lặng giữa những cánh rừng là hình ảnh khó quên với những ai đã từng ghé thăm đập thủy lợi Tân Sơn. Nằm cách xa khu dân cư nên đập Tân Sơn vẫn nằm đắm mình giữa màu xanh hoang sơ. Tựa lưng vào chân núi Tiên Sơn, hồ chứa hứng trọn nguồn “nước trời” từ hàng trăm con rạch, suối chảy về đây.
